Taberd.org
 Mục lục
Trường Xưa Yêu Dấu (2)
Vũ Văn Chính

(Nhớ về lớp 9-6 ngày ấy)

phong_thi_nghiem

Ngoài Hội Trường Taberd, nguyên dãy lầu thứ 4 nằm bên phía đường Hai Bà Trưng, là một phòng thí nghiệm với đầy đủ các dụng cụ dùng để giảng dạy cho học sinh, cho các môn Sinh Vật, Lý-Hóa, với phòng ốc rộng rãi, sạch sẽ và đầy đủ dụng cụ không kém gì một phòng thí nghiệm loại De Luxe, và vì thế đây cũng là công trình thứ hai sau Hội Trường của Trường Taberd rất đáng tự hào.

Lúc còn học lớp 6, 7, tụi tôi cũng nghe nói nhiều về dãy lầu 4 này, nào là trên đây có bộ xương người, có con cọp nhồi bông cùng các con vật khác, nghe hấp dẫn và tò mò nhưng có lên đây được đâu, vì hai đầu cầu thang của dãy lầu luôn bị khóa bởi hai cánh cửa sắt. Thỉnh thoảng giờ ra chơi hai, ba thằng chạy lên, đứng ngoài cửa sắt đưa mắt nhìn vô mà nào có thấy gì, bực bội nhưng đành chịu vậy.

Phòng thí nghiệm này chỉ dành cho các lớp 9 trở lên, và vào niên học 72-73 tôi học lớp 9-6, đầu năm học ngoài tiền học phí, bút phí và bảo hiểm ra, tụi tôi còn phải đóng thêm 2000$ là tiền dùng cho chi phí mua hóa chất, mà nhà trường đã mua để cho học sinh thực tập làm thí nghiệm, một tháng mỗi lớp được lên đây 3 lần để thực tập cho các môn Sinh Vật, Hóa Học và Vật Lý, chương trình mới mẻ này rất hấp dẫn và lý thú với chúng tôi, sau những bài giảng lí thuyết trên lớp là tới phần thực hành ngay.

Trong ba môn được thí nghiệm thì tụi tôi thích nhất là môn Vạn Vật và Hóa Học, nhiều khi một giờ thực tập lại là quá ngắn với tụi tôi, được tận mắt thấy những vật chỉ được học trên sách vở, như chất Clor, Benzen, Acid Sulfuric đậm đặc đáng sợ ... Đôi khi tụi tôi cũng được quan sát sọ và não người, tim người để hiểu biết vể sự cấu tạo của con người, mà từ trước đến giờ chỉ học lý thuyết trên sách vở, chính vì vậy nên các môn Vạn Vật và Hóa nó hấp dẫn và bớt khô khan hơn.

Thường môn sinh vật, nhà trường có mời một nữ giáo sư dạy ở trường Đại Học Y Khoa về phụ trách, và có thêm một cô sinh viên làm phụ tá. Năm nay môn sinh vật với bài đầu tiên là giải phẫu và tìm hiểu cơ thể con chuột bạch, lớp được chia ra một tổ 4 người và được nhận một con chuột đã được gây mê, từng nhóm được cung cấp dao mổ, kẹp gắp và kim gút, đầu tiên là rạch lớp da trước, rồi mới đến lớp thịt, sau đó mới banh lồng ngực chuột và ghim chặt bởi kim gút, tụi tôi sẽ quan sát các bộ phận của chuột và vẽ lại cẩn thận trên một tờ giấy, có ghi chú tỉ mỉ rồi sau đó nộp bài cho giáo sư chấm điểm thực hành và nhận xét.

Khi thí nghiệm về Tim và Não Heo, chúng tôi được chỉ dẫn chi tiết về các cơ, van là những cơ quan đóng vai trò chủ yếu của Tim, hoặc được xem các vi khuẩn sống trong cây bằng kính hiển vi, có lần thí nghiệm về sự phản xạ của Ếch, muốn làm tê liệt hệ thần kinh của ếch, chỉ cần dùng một cây kim gút rà nhè nhẹ từ gáy ếch, lên đến giữa đỉnh đầu sẽ thấy có một chỗ trũng, cắm mạnh cây kim gút vào chỗ này là chú ếch nằm ngay đơ như cây cơ.

Môn Hóa thì do frère Nguyễn Ngọc Lộ phụ trách, Frère có soạn ra các sách hướng dẫn nội qui, cách xử dụng các dụng cụ thí nghiệm, vì môn này thường sử dụng các hóa chất nguy hiểm, nên cần sự khéo léo và cẩn thận trong khi pha chế, như Acid Sulfuric đậm đặc có thể gây bỏng, những lúc cho nước vào acid cũng phải từ từ vì có thể làm Acid văng ra ngoài ống nghiệm, chất Clor khi ngửi có thể gây ra ngất xỉu, và tụi tôi tranh nhau ngửi Amoniac còn gọi là nước đái Quỷ, để rồi sau đó phải nhăn mặt vì cái mùi đặc trưng của nó, nói chung các nội qui thí nghiệm môn Hóa rất khắt khe và kĩ lưỡng.

Môn thí nghiệm chán nhất là môn Vật Lý, với những máy móc lỉnh kỉnh như máy đo Ampere, dòng điện, những vật liệu điện ... toàn là chương trình khô khan và chán ngắt đối với chúng tôi.

Chương trình lớp 9 năm nay còn có thêm 2 môn học mới, đó là môn Hán văn và học Sinh Ngữ Thính Thị. Môn Hán Văn do frère Ligori Thành dạy, Frère cũng là chủ bút tờ báo Liên Sinh của trường, vì là môn học mới mẻ nên lúc đầu ai cũng thích, nhất là ngồi mải mê gò chữ Hán văn nó y như chữ Tàu vậy, bài học đầu tiên của môn này là bài Việt Điểu Sào Nam Chi, nghĩa là con chim Việt hướng về phía trời Nam.

Nhưng sau này nghe Frère giảng về đạo lý như Tam Tòng Tứ Đức, Công Dung Ngôn Hạnh, Xuất Giá Tòng Phu với một giọng đều đều, thì ai nấy ngồi nghe cũng thấy ngán ngẩm và buồn ngủ. Chả bù cho những giờ học sinh ngữ thính thị của Frère Nguyễn Phú Ghi phụ trách, đây là chương trình ngoại khóa, nhằm giúp cho học sinh tập nghe và nói tiếng Pháp, Anh đúng giọng hơn, và nó cũng đang được thử nghiệm để đưa vào chương trình giảng dạy. Phòng Sinh Ngữ Thính Thị nằm trên lầu của Câu Lạc Bộ Bóng Bàn

Vào những giờ học Sinh Ngữ Thính Thị, mọi người sẽ được nghe một bài Texte đúng giọng, do máy ghi âm phát ra, rồi Frère ra câu hỏi, nếu ai hiểu thì giơ tay trả lời các câu hỏi, ai dơ tay và trả lời đúng nhiều câu hỏi sẽ được Frère tặng một tấm Carte Postale nhỏ, sau đó cả lớp sẽ được nghe vài bản nhạc thời thượng, mà có lần được nghe bài Love Story cực hay, và sau cùng là được xem những đoạn phim hoạt họa ngắn của Hãng Walt Disney.

Chỉ tiếc rằng lớp tôi tham dự có một lần chương trình dạy Sinh Ngữ Thính Thị rồi thôi, và về sau nghe nói mục này bị bãi bỏ.

Vũ Văn Chính - Sài Gòn (tháng 3 năm 2010)