Taberd.org
 Mục lục
Quán Cà phê Âu Cơ (Au Coeur De Paris)
 Con Tim ở Paris.
Nguyễn Thái Sơn

Quán cà phê Au Coeur được mở vào năm 2005, bởi vợ chồng BS Vũ Thanh Vân, người có văn phòng khám bệnh nằm ngay cạnh văn phòng nha sĩ Nghiêm Quốc Việt. Gia đình BS Vân có một cô con gái tên là Elisse, nên lúc đầu đặt tên quán là chez Elisse, sau 3 năm vì không đủ sức trông nom nên BS Vân bán lại tiệm cho một người em họ là Anh Nguyên. Quán được mở ở Thành phố Westminster, đối diện phía bên kia thuộc về thành phố Fountain Valley, đây là một khu khá giả của Orange County, khá hơn khu trung tâm thành phố Sài Gòn 2 của bà con Việt Nam di tản khi xưa nữa, na ná như khu đường Lê Lợi ngày xưa ở Sài Gòn vậy, tiệm chỉ chiếm diện tích nho nhỏ có 400m2 khiêm tốn thôi, nó nằm cạnh một trường dạy nhạc nổi tiếng của người VN.

Chủ quán là Anh Nguyên, một cựu học sinh trường Jean Jacques Rousseaux (Lê Quí Đôn) ngày xưa. Anh là em của ca sĩ Khánh Ly. Lúc đầu quán được đặt tên là Versailles, rồi sau 1 năm buôn bán có lẽ thấy cái tên Versailles nó khô khan và không thơ mộng chăng ?, nên Anh Chị chủ quán mới đổi thành tên là Au Coeur des Paris cho đến bây giờ, Con Tim Ở Paris nghe nó hay hay và mộng mơ ra phết, nếu đọc như mấy ông bên nhà thì là Âu Cơ, nghe cũng có vẻ cổ tích thuần Việt lắm, chứ còn nghe mấy ông người Trung đọc là Ô Cưa (OK) thì nó lai Mỹ mẹ nó rồi.

Quán chủ yếu bán bánh mì, bánh ngọt làm theo kiểu Pháp, và còn chuyên nhận đặt bánh cho: Tiệc Cưới, Sinh Nhật, Hội Họp,... lại có bán cà phê nữa nên chỉ đặt thệm hai cái bàn bên trong quán và hai cái bàn đàng trước cửa, cho ai thích ngồi lại nhâm nhi bánh hay uống cà phê. Để cho nó đúng là quán Tây giống như quán Brodar, Givral ở đường Tự Do ngày xưa vậy, hay giống như mấy quán bên Paris. Ông chủ rinh nguyên một ông Tây trẻ thứ thiệt 100% qua Mỹ, rồi đưa ông vào bếp để ông chuyên về nấu nướng, đặc biệt là làm bánh mì và bánh ngọt. Ông Tây trẻ này nghe nói nhà ông ở vùng quê (giống như vùng Cà Mau hay miệt U Minh ở VN vậy) tướng ông thấp đậm, ông chịu xa cái xứ Tây để đến cái xứ sở hoa lệ Mỹ Quốc là ông thấy cuộc đời như lên tiên rồi, ông này đặc biệt chuyên nhào bột mì để làm bánh nên ông có đôi bàn tay thật mạnh mẽ và hiếu động, giống ông bạn Nghiêm Quốc Việt của tôi ngày còn bé. Đàn bà con gái mà nằm trong vòng tay của ông Tây chuyên nhồi bột này, thì bảo đảm sẽ trở thành hai trái mướp nhão ngay, nên các chị em chú ý và phòng ngừa là tốt nhất.

Quán chủ yếu do chị Thủy quán xuyến, anh Nguyên thường thường đi làm cho đến 4g chiều mới về phụ vợ, Anh Chị rất thích mấy ông Taberd 76 nhà mình đi đến đâu cũng ồn ào và vui nhộn, thỉnh thoảng đôi lúc dù đang bận rộn bưng bê phụ vợ khi thấy mấy ông Taberd kéo vào tụ tập sinh hoạt là anh cũng ráng chen vô góp chuyện cho vui, kiểu cùng ở làng Tây Ba lô ra mà.

Mà hình như từ ngày có mấy ông nội Taberd thì quán có thêm sinh khí thì phải, có những buổi trưa không ngủ trốn vợ đi chơi hay buổi chiều trốn việc nhà, mấy ông hẹn nhau vô quán cứ thoải mái ai muốn gọi gì thì gọi, ngồi đấu láo đã đời tù tì 3 tiếng đồng hồ rồi đến lúc tính tiền, anh chị chủ quán có khi cũng chỉ tính tiền tượng trưng mà thôi, vì có nhớ mấy ông Taberd nhà mình ăn uống cái chi, nhưng được một cái dân Taberd vốn có tính thật thà khai báo không hề khai gian, nên thường là hai bên cùng vui vẻ.

Hôm anh em Taberd đi lễ cầu nguyện cho bạn hiền Châu Thiên Bửu đang trú ngụ nơi đất Chúa, chị cũng tự tay o bế làm một cái bánh trái cây lớn để chiêu đãi anh em đã có lòng đi dự lễ đông đủ, Chị cũng là người ngoan đạo kinh khủng, cho dù quán có đông khách mà tới giờ đi lễ nhà thờ là chị cũng rời quán để đi đến nhà thờ đúng giờ. Chị Thủy làm bánh pâté chaud thật ngon nhưng số 1 là bánh mì Gà, bánh mì của chị không thua gì bánh mì của tiệm Hương Lan ngày xưa trước khu Bưu Điện Sài Gòn, thường những lúc bận rộn nơi nhà người thương, đói bụng Sơn Mập nhà ta chợt nhớ tới bánh mì của quán chị, thế là chạy sang rinh một ổ rồi về say sưa ngồi gặm, và không chừng nhờ ăn bánh mì gà của Quán Âu Cơ mà Sơn Mập thon người lại và trở nên mi-nhon chăng ?.

Cũng vì những tình cảm của anh chị luôn dành cho anh em, nên có lúc Anh chị thường hay nhờ anh em phụ giúp một tay mỗi khi quán đông khách, và mấy ông Taberd thì khỏi nói luôn sẵn sàng lẹ tay lẹ chân lắm giống y như hồi xưa vậy, nên tình cảm giữa hai bên càng thêm đậm đà. Anh Nguyên còn nổi tiếng khi chế ra câu "Niệm Khúc Giữa" vì thích ngồi giữa vợ mình và Cô Tư Quỳnh Hương, nhưng chỉ ngồi nghiêng về phía vợ thôi chứ đâu dám ngả về bên Cô Tư, ông mà ngả không đúng nơi đúng chỗ thì khúc nào cũng chết chứ đừng nói chi khúc giữa.

Và cũng tại nơi đây anh em cũng gặp một người chị lớn hơn anh em nhà mình mấy tuổi, nhưng phong cách của chị rất nghệ sĩ và hát hay, cái vụ hát hay này thì đúng tim đen của các chàng trai Taberd. Mà cái chuyện anh em Taberd gặp chị lần đầu tiên cũng thật là lạ, một buổi sáng Chúa Nhật nọ, tôi và Quốc Việt ngồi uống cà phê ăn bánh ngọt ở bên ngoài quán, để chờ Hà Gia Hòa đem bò bía tới cho hai thằng tôi thưởng thức, lúc này trong quán Chị Na và vài người bạn nam và nữ đang ngồi nói chuyện.

Thì anh chàng Gia Hòa lù lù đi tới, không hiểu vì hoa mắt hay còn mải mê ngắm ai, mà anh chàng nhìn chị Na ra người quen mới chết chứ, thế là anh chàng chợt nổi lên tính galant đem hộp bò bía vào dâng tặng, đến khi lại gần anh chàng mới biết là lầm, lỡ trớn rồi nên đành tặng chị hộp bánh luôn, mà quên đi hai thằng bạn đang ngồi ngó theo và tiếc rẽ thèm thuồng cái hộp bánh. Cũng vì cái chuyện này mà có lần chị Na khen, trong anh em Taberd chỉ có Hà Gia Hòa là người có nụ cười tươi nhất và trong sáng, khiến Quốc Việt và Cần cười rũ rượi.

Từ đó anh em Taberd mới làm quen với chị, thứ Bảy hay Chúa Nhật chị và bạn bè cùng tôi hay đàn hát ở đây mỗi khi rảnh rang.

Sau quán Kim thì nơi đây Quán Cà phê Âu Cơ (Au Coeur des Paris), hay dịch là Con Tim ở Paris cũng được, luôn là nơi họp mặt của tất cả anh em Taberd 76 bên lớp Anh Văn hay Pháp Văn, thường vào buổi trưa lúc 1g hay xế chiều trước lúc 6g, ngày thường thì lai rai vài ông Taberd rảnh rỗi ngồi tán gẫu, nhưng có khi thứ Bảy và Chúa Nhật mấy ông sau khi được vợ cho phép đi chơi kéo nhau đến tụ họp đông đủ, vì mấy ông thích cái không khí trầm ấm thân tình, nơi đây luôn có một tình cảm đáng quý giữa anh chị chủ quán và anh em Taberd, mà những nơi khác không có được.

Cũng tại quán này mà cha con bạn Võ Long Hải mới trùng phùng gặp nhau, sau bao nhiêu năm xa cách.

Cuối cùng tôi xin trích lời cám ơn của người bạn tôi, Bác sĩ Lê Xuân Việt trong một lần đầu đến quán ngồi sinh hoạt, với anh em Taberd mà sau bao nhiêu năm mới có dịp hội ngộ, Xuân Việt còn đặt tên cho quán là Coeur Doux de Paris nên anh em cứ quen miệng gọi Cơ Đu, còn nếu đọc lái lại như Sơn Mập thường đọc thì câu này chẳng còn làm ăn gì được nữa, ai mà lại gọi là Cu Đơ chứ, khi về đến nhà rồi Xuân Việt còn cố nói vớt vát như sau:

- Hôm tao về, chị Thủy Âu Cơ có gói cho tao một li cà phê sữa to tướng, mỗi ngày tao nhâm nhi một chút thấy ngon quá thể, để nhớ lại lúc gặp tụi mày tại quán Au Coeur Des Paris. Cho tao xin gởi lời cám ơn đến Anh Chị Nguyên.

Cali, tháng 9/2010.