Taberd.org
 Mục lục
Hành trình tìm lại các Frère và Thầy Cô
Nguyễn Quân

Tháng Năm vừa qua nhân bài viết "Vai diễn khó quên" tôi được anh Lê Việt Quang cho biết nơi ở hiện tại của Frère Albert Nguyễn Quang Tiên. Tôi tới thăm Frère vào một ngày chủ nhật tại Lasan Mai Thôn. Mai Thôn bây giờ vắng vẻ, chẳng còn bóng dáng của một trường học mà chỉ là nơi các Frère lớn tuổi đang hưu dưỡng. Phòng của Frère Tiên là một căn phòng nhỏ ở gần cổng bên hông của Mai Thôn. Gặp Frère thật vui, phải tự giới thiệu lại nhưng cũng không biết Frère còn nhớ mình không vì đã 40 năm qua rồi, hồi xưa còn nhỏ xíu mà bây giờ tóc cũng đã bạc thì làm sao Frère còn nhận ra.

albert_tienFrère năm nay cũng gần 90 tuổi rồi mà vẫn còn minh mẫn lắm, còn có thể dạy thêm Anh văn và Pháp văn cho các Thầy Tu, các Soeur nữa mà. Frère và tôi ngồi ôn lại những kỷ niệm xưa và cả chuyện ngày nay nữa. Tôi rất kính phục Frère là một nhà giáo dục và một nhà tu hành chân chính. Nói chuyện đến quên cả giờ giấc, mãi đến giờ kinh buổi trưa của Frère tôi mới xin cáo từ đi về. Frère còn tặng tôi một tập sách giáo lý để làm kỷ niệm nữa.

Cũng qua Frère Tiên tôi mới biết một tin đau buồn là Frère Amédée Mai đã mất trong vụ tai nạn khu nhà Mai Thôn bị sụp xuống sông năm 1989. Hồi đó tôi cũng có nghe tin này nhưng không hề biết trong đó có Frère Amédée (vụ tai nạn này làm cho năm Frère bị mất). Thật đau lòng !! Dẫu biết rằng chẳng ai có thể sống mãi được nhưng tôi không nghĩ rằng Frère lại chịu một cái chết đau thương như vậy.

amedee
Frère Amédée

Tôi biết Frère Amédée là do hồi những năm 68-70 có tham gia học violon do Thầy Hải dạy. Thầy Hải hồi trước nhà ở ngay trong trường, góc Hai Bà Trưng - Nguyễn Du (nhưng nay Thầy không còn ở đó nữa và cũng không biết Thầy đi đâu). Lớp nhạc của Taberd do Frère Amédée phụ trách gồm các lớp Piano do chính Frère Amédée dạy, lớp Violon, Guitare, Mandoline, ... Tôi thì không nói chuyện với Frère lần nào vì hồi đó còn nhỏ và cũng vì không học lớp piano của Frère dạy, nhưng tôi lại rất thích xuống phòng của Frère (dãy nhà ngay bên dưới Thính Đường) để nghe Frère đàn piano vì Frère đàn rất hay. Tôi nhớ nhất ở Frère là dáng đứng khi nói chuyện của Frère, khi đứng Frère không bao giờ đứng yên mà cứ dao động qua lại như quả lắc vậy, thấy cũng ngồ ngộ. Frère còn hay tổ chức những buổi hòa tấu nhạc chung các lớp nhạc với nhau, khi thì ở Thính đường Taberd, khi thì ở sân khấu trường Cao Thắng, khi thì ở sân khấu tòa nhà Xổ Số Kiến Thiết Quốc Gia, ... Mỗi lần trình diễn như vậy thì lớp Violon của chúng tôi thường đứng phía trước vì đông hơn, Piano và Mandoline thì do ít hơn nên chỉ họa theo thôi.

Ấy vậy mà nay Frère Amédée đã ra người thiên cổ rồi, thật buồn nhưng cũng xin cầu chúc cho Frère được về bên Chúa.

Cũng sau bài viết về "Sói con Taberd" trên trang Taberd.org, tôi cũng may mắn được anh Lê Việt Quang cung cấp địa chỉ về ba Trưởng từng dẫn dắt bầy Sói hồi đó là cô Triệu Thoại Ba, Lê Thị Thanh Hà và cô Nguyễn Thị Đạm Thủy. Vẫn biết là sau 35 năm thì xác xuất tìm được các cô rất là nhỏ nhưng tôi cũng ráng đi tìm, mỗi ngày sau khi đi làm về lại rong ruổi đi kiếm. Tới nhà cô Thủy hỏi thì chẳng ai biết cô là ai, tới nhà cô Hà cũng bị tình trạng tương tự, còn nhà cô Thoại Ba thì chẳng tìm thấy số nhà cũ đâu cả, chắc là đoạn đường đó đã đổi số nhà rồi. Thế là công toi.

Sau đó tôi lại xin anh Quang cung cấp thêm địa chỉ các Thầy Cô khác để mong có thể kiếm được dù bất cứ Thầy Cô nào đã từng gắn bó với trường. Cũng may là anh có được danh sách và địa chỉ trước năm 75 của hơn một trăm Thầy Cô. Nhìn cái danh sách đó tôi thấy chắc khó mà tìm hết được vì trước đây chỉ có ba cô mà tôi tìm cả mấy ngày không ra thì nay hơn một trăm người thì làm sao mà kiếm ?

Tuy nhiên nhờ có Internet và trang web danh bạ điện thoại, dựa theo địa chỉ nên có thể tìm được số điện thoại. Sau đó gọi điện thoại tới từng địa chỉ để mong tìm được Thầy Cô nào vẫn còn ở chỗ cũ. Kết quả có khả quan hơn, mặc dù số Thầy Cô tìm lại được còn quá ít so với số Thầy Cô từng giảng dạy tại Taberd, do có một số đã đi nước ngoài, một số thay đổi địa chỉ, và cũng có một số Thầy Cô lớn tuổi đã qua đời. Nhưng có được kết quả như vậy cũng là may mắn lắm rồi.

hoang_tuy
Thầy Hoàng Tùy

Sau đó chúng tôi tiến hành đi đưa thư mời các Thầy Cô đã liên lạc được. Các Thầy Cô rất vui và cảm động vì đã qua một thời gian khá dài mà các em học sinh cũ vẫn còn nhớ đến Thầy Cô và có tâm huyết muốn tìm lại các Thầy Cô cũ. Qua tiếp xúc với các Thầy Cô thì thấy cũng mừng vì ngoại trừ một số ít gặp khó khăn trong cuộc sống, còn lại đại đa số các Thầy Cô đều có kinh tế ổn định.

Hôm lại đưa thư mời Thầy Hoàng Tuỳ, may mắn gặp được Thầy từ Úc về Việt Nam, ngồi nói chuyện với Thầy hơn hai tiếng đồng hồ, đủ thứ chuyện xưa và nay cũng vui lắm. Thầy năm nay cũng trên dưới 80 tuổi mà cũng còn khỏe. Khi Thầy biết có các Thầy khác từng quen biết như Thầy Võ Văn Mậu, Nguyễn Ngọc Xương đi dự Lasan Hội Ngộ thì Thầy vui lắm và nhất định tham gia cho kỳ được.

vo_van_mau
Thầy Võ Vặn Mậu
nguyen_ngoc_xuong
Thầy Nguyễn Ngọc Xương

Nhắc tới Thầy Võ văn Mậu thì tôi có một kỷ niệm khiến tôi nhớ mãi, đó là năm lớp Sáu, năm đầu của bậc trung học. Vì hồi học lớp Năm tôi học cũng khá, được Ban Khen Danh Dự, cho nên vừa lên lớp Sáu là trường cho làm lớp trưởng (hình như đó là qui định). Hôm đầu tiên đi học lớp sáu thì vì Thầy là Chủ nhiệm lớp tôi nên vừa vào lớp Thầy gọi ngay: "Nguyễn Quân là người nào đâu?" tôi không biết chuyện gì nên chỉ giơ tay. Thầy bèn phán luôn một câu làm tôi hết hồn "Khi tôi gọi người nào thì người đó đứng lên cho tôi coi!!". Cái giọng của Thầy rít lên làm mặt tôi tái xanh tái mét, bèn vội vàng đứng dậy. Thầy mới giảng cả một bài moral cho tôi và cả lớp nghe. Thầy dạy môn Quốc Văn nên cái chuyện giảng moral thì khỏi nói rồi, tôi nhớ mãi đến bây giờ. Vừa rồi qua Thầy Nguyễn Ngọc Xương tôi mới biết địa chỉ của Thầy, Thầy vẫn còn ở Việt Nam, gọi điện thoại cho Thầy thì Thầy mừng lắm vì quá lâu mới có học trò Taberd tìm đến Thầy. Giọng Thầy bây giờ qua điện thoại không còn mạnh như ngày xưa, ngày Lasan Hội Ngộ hy vọng sẽ gặp lại Thầy, nhưng chắc không dám kể lại chuyện cũ (mà chắc Thầy cũng quên lâu rồi).

dong_van_quan
Thầy Đống Văn Quan

Cũng qua Thầy Hoàng Tùy tôi còn được biết thêm thông tin về Thầy Đống Văn Quan dạy môn Toán lớp 9 (nay Thầy cũng đang định cư bên Úc), Thầy Quan rất là nghiêm, chưa hề thấy Thầy cười bao giờ, mà đúng là Thầy dạy môn toán nên tính Thầy rất quy củ, đâu ra đó đàng hoàng. Tôi nhớ nhất ở Thầy là cái cách thức lau bảng của Thầy. Thầy nói là phải lau sao cho sạch giống như bốn góc tấm bảng (là nơi chẳng bao giờ phấn đụng tới), mỗi lần Thầy lau bảng là chúng tôi trố mắt nhìn (có lẽ lau vài phút mới xong), rồi sau khi lau xong thì bọn tôi lại nhìn lên góc bảng so sánh xem có ngang ngửa với nhau không? Nghĩ lại cũng thấy buồn cười. Thầy đang ở nước ngoài nên không thể dự Hội Ngộ kỳ tới được.

Ngày Lasan Hội Ngộ cũng gần đến rồi, các cựu học sinh Taberd sẽ có dịp tôn vinh các Frère và Thầy Cô đã từng một thời góp sức giảng dạy tại trường và đào tạo nên thế hệ học sinh chúng ta, cho thỏa câu nói mà ông bà ta thường nói:

"Nhất tự vi Sư, Bán tự vi Sư"
"Công Cha, Nghĩa Mẹ, Ơn Thầy".

Nguyễn Quân - Sài Gòn (19 tháng 7 năm 2010)