Taberd.org
 Mục lục
Tản mạn về mái trường xưa
Nguyễn Hữu Đức

Đã hơn bốn mươi năm từ ngày còn mài quần trên ghế nhà trường rồi còn gì ? Bạn tôi e-mail hỏi về các Thầy cô, các Sư Huynh ngày ấy, dễ gì còn nhớ hết được cái thuở hồn nhiên vô tư của một đời người như vậy. Ký ức cứ đong đưa như những mảnh ghép hình. Thôi thì nhớ được gì thì kể nhau nghe vậy.

Năm 1965, lớp Hai. Cái dãy nhà phía trước cổng Nguyễn Du bước vào. Hai tầng nền bằng gổ lát sàn cũ kỹ. Nhưng lại là một khu vực ít ồn ào nhất của trường Taberd. Sau này, chúng tôi mới nghiệm ra rằng dãy lớp này sát với Bộ Nội Vụ, nên để cho các em nhỏ "ngoan ngoãn" Tiểu học học là hợp lẽ nhất. Lúc ấy, mỗi lớp là một Thầy hoặc Cô hoặc một Frère làm Thầy suốt một năm học. Tôi học với Cô Đào Thị Viên, người nhỏ, hơi đẫy đà. Lúc ấy chắc Cô cũng trên 40 tuổi. Giọng người miền Bắc, tính tình thì là người miền Nam. Nhỏ nhẹ không roi vọt. Nhưng Cô có một chiêu đánh đòn trên năm ngón tay chụm lại thật "kinh khủng" cho mấy tay tinh nghịch nhất lớp.

Cũng có đôi khi các Thầy Cô khác "dạy giùm" vì Cô có công chuyện. Như Madame Đào Thị Bích Vân đẹp tuyệt vời với cái robe ngăn ngắn. Mái tóc của Jackeline Kennedy đẹp thế mà lại bị vài bạn kháo nhau Cô giáo có "mái tóc đít vịt". Hay Thầy Lê Hữu Đức, nhỏ người, thấp đậm. Cái kính trắng như dán vào mặt cũng không thể che được cái tài hoạt bát hóm hỉnh của Thầy khi cao hứng trong giờ lên lớp. Rồi Thầy Hải, Thầy Phước, Thầy…gì gì đó cũng đã từng "dạy giùm" mấy hôm. Thú thiệt, mấy cái ngày "học giùm" này thiệt là một khoảng thời gian chúng tôi ít bị "quay như bông vụ" nhất.

bich_van
Cô Bich Vân
cao_thi_tuyet
Cô Cao Thị Tuyết
nguyen_thi_kim_thach
Cô Nguyễn Thị Kim Thạch
nguyen_thi_chin
Cô Nguyễn Thị Chín

Rồi cứ như vậy, chúng tôi vượt qua thời Tiểu Học. Năm lớp sáu, hung thần Marcien Thiện xuất hiện (xin lỗi các Frère vì chúng con đã dùng các nickname cho các Frère). Cái dãy banh bàn mê hoặc chúng tôi và cũng là thời kỳ "đen tối" nhất mà chúng tôi phải bước vào một thế giới "kỷ luật như nhà binh". Bạn còn nhớ mấy cái vụ Bon Points. Để dành để đổi quà hay không ? Hay bạn còn nhớ các buổi ngồi dưới sân trường 15 phút, nửa tiếng để nghe thuyết giáo của khối lớp 6-7 hay không ? Lúc đó là một mảnh ghép làm cho tôi nhớ nhất cuộc đời học trò trường Taberd. Và nhớ nhất các Cô Cao Thị Tuyết, Cô Nguyễn Thị Kim Thạch, Cô Nguyễn Thị Chín, Thầy Hải, Thầy Toàn, Thầy Uyên và các Frère phu trách Phòng Thí nghiệm trên dãy nhà cạnh đường Hai Bà Trưng. Nơi có "Pa tí xệ" bánh bánh mì, nước ngọt. Nơi có banh bàn, nhà bếp và khu "biệt thự" xả xúp báp ở cuối dãy nhà khối lớp Sáu sát cạnh văn phòng "Tổng linh Hoạt", những sát thủ đáng gờm nhất thời học sinh trường dòng như: Anphonso Phong, "" bà,…mấy ai mà thoát được cái bộp tai như trời giáng, cái đá đít của các sát thủ khi tham gia các trò tinh nghịch: ném bao si-rô, tung cặp lên trời hay quần áo tung ra trong giờ ra chơi, ….

Riêng đặc biệt một người. Khi nhắc về ông thì có lẽ không một ai trong đám cựu học sinh Taberd mà không nhớ đến. Một nhân vật rất bình thường, một người không phải là Thầy hay người dạy ta bất cứ môn gì tại trường Taberd. Nhưng chính người này lại đem lại cho ta chí ít là một người có ý thức cộng đồng hơn bao giờ hết. Các bạn nghĩ đến ai chưa? Xin thưa đó là "Ông già Ba Tri", một người quét rác trong sân trường. Ông lớn tuổi lắm rồi, ngày ngày ông quét nhặt biết bao nhiêu lá phượng trên sân trường. Thầm lặng, không kêu ca. Ông thường nhăn mày càu nhàu trong miệng mỗi khi mấy thằng học trò xả rác vô tư trước mặt ông. Rồi ông cũng lặng lẽ nhặt từ cái rác bỏ vào cái "sọt cần xé". Hành động của ông cứ thế lặp đi lặp lại trước mắt chúng tôi từ năm này đến năm khác. Không một lời kêu ca, không một lời chưởi bới cho đến khi chúng tôi trưởng thành hơn ở tuổi trung học thì bỗng thấy việc mình làm là vô ý thức và cứ như thế tự nguyện bỏ rác vào mấy cái thùng treo khắp trường là một hành động đúng nhất. Vâng, ông già Ba Tri, cái biệt danh chúng tôi dành cho ông đã lâu lắm rồi. chính là một người đem cái hành động lặng lẽ của mình mà làm bài học cho bọn nhóc học trò tụi mình. Đến một ngày,sân trường không còn được sạch như mọi ngày, những chiếc lá khô, tươi nằm chồng lên nhau cũng chính là ngày ông ngã bệnh. Không thể ra sân trường dọn lá phượng bay. Đàn bồ câu cũng như ngơ ngác vì chúng thiếu ông già. Người phu quét dọn, nhặt từng mẫu bánh mì vụ, đem phơi khô và chờ khi chuông vào lớp, tôi nhìn qua cửa sổ của phòng học, ông lặng lẽ ngồi quây quần bên đàn bồ câu chen nhau ăn từng mẩu bánh mì. Chúng như ríu rít vui mừng bên ông….

Thôi thì nhớ bao nhiêu, kể bấy nhiêu. Chúng ta thật hạnh phúc khi đi qua một khoảng thời gian đẹp nhất trong đời ở dưới mái trường Taberd thân yêu. Những mẫu chuyện này, chắc có lẽ các bạn đọc về nó không có gì đặc sắc cho lắm. Nhưng, với riêng tôi và các cựu học sinh thì khoảng trời riêng này thật quý báu mà dẫu tiền bạc, danh vọng đến đâu cũng không thể mua lại được. Vinh danh những vị Thầy Cô và Các Sư Huynh đã cho chúng ta những kỷ niệm đẹp, những kiến thức bao la và một nhân cách hết sức xứng đáng là một cựu học sinh dòng Lasan. Xin tri ân và mãi mãi tri ân.

Nguyễn Hữu Đức - Hoa Kỳ (tháng 7 năm 2010)