Taberd.org
 Mục lục
Lớp Hội Họa và Thầy Lê Minh Ngữ
Nguyễn Văn Em

Thời trước ngoài việc hàng ngày cắp sách đến trường tôi cũng chọn cho mình thêm một môn học ngày cuối tuần. Loay hoay mãi, sau cùng tôi quyết định học nhạc, chắc vì nghĩ học nhạc có vẻ trí thức hơn, dễ cua gái hay vì ảnh hưởng mạnh của nền âm nhạc thời đó. Tôi học thử qua guitare, gảy từng tưng tứng được vài ba kỳ thấy khó khăn, vả lại mỏi tay quá thôi đành từ bỏ tham vọng, nhảy qua học thêm lớp hội họa.

Lớp Hội họa trong chương trình phổ thông cũng như lớp hội họa cuối tuần đều do Thầy Lê Minh Ngữ đảm nhiệm, phụ Thầy còn có cô Nguyễn Thị Chín và cô Ngà. Cô Chín hiện sinh sống ở Missouri, còn Cô Ngà nghe đâu ở California. Nhắc đến Thầy Lê Minh Ngữ, chắc đại đa số anh em học sinh Taberd đều nhớ tới món nghề nhéo lỗ tai của Thầy. Tôi vẫn mường tượng ra dáng Thầy hơi khòm khòm hai tay chắp sau đi tới đi lui sau lưng đám học trò, lúc nào Thầy cũng nhai kẹo chewing gum nhóc nhách, gặp tên nào phạm lỗi là ngay lập tức bàn tay của Thầy xoắn ngay lỗ tai tên tội nhân và bắt đầu vặn. Nan nhân tập trung cả hai cánh tay để che đỡ lỗ tai của mình, hai chân nhón lên theo vòng xoáy của lỗ tai để giảm áp lực và đầu gối chụm lại như diễn tả sự đau đớn. Sau khi Thầy vẽ xong cảnh nhéo lỗ tai, học sinh được thả ra để tiếp tục bụm lỗ tai một hồi lâu, chắc là phải đau lắm. Ai đã là nạn nhân của Thầy sẽ chửi thầm tôi là “Bố khỉ (hay khỉ khô), đau chết bà luôn mà thằng này còn nói chắc là phải đau lắm”. Tình thật, bao nhiêu năm học vẽ với Thầy tôi chưa bị nhéo tai, bây giờ nghĩ lại cũng hơi tiếc tiếc.

Hội họa trong lớp phổ thông, phần lớn là học pha màu, gọi nôm na là bản tuần hoàn màu sắc. Lớp cuối tuần nằm dưới Thính Đường, chiếm một góc nhà, cuối tuần học thêm cũng đông, bây giờ nhớ lại mang máng vài tên như Phạm Ngọc Điệp, Vũ Tiến Lợi, Lương Trọng CườngTăng Kiên. Còn Chu Văn Thủy, người họa sĩ tài ba này thì thật sự tôi chỉ nhớ là hình như có học thêm lớp hội họa, và ông bạn Phạm Đình Nguyên.

Lớp Hội Họa cuối tuần được học Tĩnh Vật, Người Mẫu và Cảnh Vật. Người mẫu thì có mấy cô gái, có một cô hơi tròn trịa, chừng 15, 16 tuổi, mặc jupe ngắn hình như màu xanh, ngồi chống tay nghiêng nghiêng một bên, tóc xõa dài ngang vai. Mấy cô khác thì tôi không nhớ. Người mẫu còn có một ông già, nói là già chứ tôi nghĩ chắc bằng cỡ tuổi anh em Taberd 76 mình bây giờ, ở trần, nghiêng người đẩy chiếc xe bò, cốt là lấy cái tương phản của bộ xương sườn và các bắp thịt.

Vẽ Cảnh Vật thì ra ngoài, khoảng từ hai đến năm giờ chiều, thường là chiều Chúa Nhật, đi quanh quẩn trường Taberd chứ chẳng đâu xa, như nhà thờ Đức Bà, Lăng Ông Bà Chiểu, Sở Thú, Tháp Rùa Duy Tân. Bài học vẽ mà tôi nhớ mãi là có bạn vẽ rất chi tiết một điểm nên khi hết giờ, tấm toile còn trắng toát, chỉ có một bên nóc nhà thờ có đầy đủ chi tiết cây thánh giá, hoặc trên cái phông trắng có vài cây với đầy đủ lá cành.

Thầy Ngữ cứ nhắc đi nhắc lại câu "Các cậu phải đi từ tổng quát cho đến chi tiết, tô cho hết bức tranh theo các phông màu, sau đó mới từ từ đắp lên chi tiết, như vậy lỡ khi hết giờ và lần sau mình không có dịp đi lại chỗ cũ mình còn có thể dựa theo trí nhớ hoặc tranh ảnh để hoàn tất bức tranh”.

Ngày ấy ngoài chương trình học, trường Taberd còn tổ chức thêm biết bao sinh hoạt văn hóa khác và văn nghệ văn gừng. Sau này khi con cái bắt đầu tới tuổi đến trường, cũng phải vất vả ngược xuôi lo cho đám nhóc ăn học và sinh hoạt thêm, tôi phải công nhận trường Taberd có một tổ chức rất cao, tương đương với các trường trung tiểu học hàng đầu ở thành phố Montreal bây giờ, nơi tôi đang sinh sống.

Trong cuộc đời có được một cái may đã là may mắn hơn nhiều người, tôi và các bạn Taberd có được một lúc tới ba cái may, thành ra cái Ơn mình mang cũng rất là lớn.

- May mắn thứ nhất là có Cha Mẹ hy sinh cho mình đi học Taberd,

- May mắn thứ hai là ngôi trường Taberd với các Sư Huynh tận tụy cũng như hết sức cố gắng tổ chức các lớp học và sinh hoạt hàng đầu ngành giáo dục

- May mắn thứ ba là các Thầy Cô có tài năng, sự chăm chỉ, lòng kiên nhẫn và yêu nghề như thầy Lê Minh Ngữ.

Những năm theo Thầy Ngữ học vẽ, phần chính tôi hấp thụ nơi Thầy “đi từ tổng quát đến chi tiết”, và ngày nay nguyên tắc này cũng giúp tôi giải quyết được rất nhiều việc trong công việc làm. Nay nhân dịp Nhớ Ơn Thầy Cô, Tôi xin nhắc lại để tỏ lòng nhớ ơn đến Thầy Ngữ và các Cô Chín, Cô Ngà đã cho tôi cái may mắn nhận thức được cái hay cái đẹp của màu sắc và một nguyên tắc làm việc mà tôi muốn chia sẻ cùng các bạn.

Nguyễn Văn Em - Montreal (26 tháng 7 năm 2010)