Taberd.org
./vk_hd.gif
 
Phần 1Phần 2
vk1
Chúng ta thường cảm thấy băn khoăn mỗi khi bàn luận chuyện về hưu. Vui hay buồn, sớm hay muộn, thoải mái hay chán nản?
Một người bạn đồng nghiệp sắp về hưu tâm sự rằng: “Về hưu là quãng đời còn lại trước khi qua bên kia thế giới”. Mới nghe xong ta cảm thấy cuộc đời sao thê thảm quá. Đa số bạn bè giờ đây đang ở cái tuổi ngũ tuần, dù muốn hay không chúng ta cũng phải nhìn vào thực tế để đối phó với việc trọng đại này.
Trái đất vẫn xoay chuyển quanh một quỹ đạo đã định sẵn, chuyện gì tới rồi cũng sẽ tới. Cách hay nhất là tìm tòi, dò dẫm, học hỏi kinh nghiệm của người đi trước để rút kinh nghiệm, hầu tìm ra một hướng đi, một dự tính và chuẩn bị một lối sống mới thích ứng với hoàn cảnh từng cá nhân.
Có nhiều trường hợp và hoàn cảnh thật khác biệt cho từng cặp vợ chồng khi đến tuổi xế chiều. Có những cặp vợ chồng khi về hưu thì con cháu đã thành tài và đang dự tính có cháu nội cháu ngoại để bồng bế. Cũng có những cặp vợ chồng về hưu nhưng con cái đang học đại học, chưa lập gia đình, gánh nặng vẫn còn đè lên hai vai. Ngoài ra cũng có những trường hợp người về hưu nhưng vẫn hiếm hoi, không có con cái để nối dõi, hoặc để phụng dưỡng lúc tuổi già.
Người ta hay nói rằng quá khứ là kỷ niệm, tương lai là phép màu đang ao ước, còn hiện tại là những món quà của cuộc sống. Trẻ con sống cho hiện tại, thanh niên sống cho tương lai trong khi người già hay “hoài cổ” tức thường trở về quá khứ, hồi tưởng lại những kỷ niệm êm đẹp thuở nào. Cuộc đời mơ rồi thực, rồi nay vẫn còn mơ. Ngày nào đó còn nô đùa tinh nghịch mài đũng quần ở nhà trường, sau đó bận rộn việc thi cử để lo cho tương lai lúc vừa thành niên - mơ có một cái nghề vững chắc để bảo đảm tương lai, rồi có gia đình ấm cúng với con cháu đầy nhà. Nay qua rồi thời gian sống thực, tha hương, khi về già vẫn phải ước mơ còn được quây quần bên con cháu?
Đôi khi quá khứ vẫn là cái gì đó tiềm ẩn trong tan vỡ, nhức nhối và thật khó mà quên. Bởi có nhiều bạn già vẫn còn canh cánh bên lòng những điều chưa thực hiện được cho mình, cho đời và cho con cháu. Có những người rất thích du lịch đó đây để khám phá nhiều văn hóa mới lạ, cũng như tìm hiểu thực tế đời sống trên thế giới. Cũng có người muốn về lại quê cha đất tổ để làm cái gì đó có ích cho quê hương đất nước.
Một nữ tác giả người Mỹ Patricia Schultz có đề nghị chúng ta nên đi du lịch đây đó cho thoả mộng giang hồ trong cuốn sách của cô Xem một ngàn nơi trước khi chết (1.000 places to see before you die). Không biết ước nguyện của con người có khả năng thực hiện nổi như sự đề nghị của nữ tác giả này không. Những điều tưởng chừng bình thường với người này lại là ước mơ cao vời của người khác. Hạnh phúc lắm khi ai đó trong cuối đời có cái may mắn thực hiện được những điều mình mong muốn. Cái tuổi già đang tìm đến và chúng ta cũng nên lo chuẩn bị sắp xếp hành trang để làm một cuộc hành trình dài đến nơi miền đất mới.
Như xuân về hoa nở. Hè oi ả nóng để đón những cơn mưa bất chợt đổ xuống. Rồi cái nóng cũng dịu dần để đón gió thu sang. Cuối thu lá vàng cùng hoa thi nhau rơi rụng, lại chuẩn bị để đón một mùa đông lạnh lẽo sắp đến. Bốn mùa đất trời vẫn hằng xoay chuyển.
Cũng như người xưa thường nói rằng “Sinh Lão Bệnh Tử” là một quy định không thể cãi lại được. Dù sao, trong cuộc hành trình đi đến tuổi già chúng ta nhớ lại ngày xưa cổ nhân thường nói: “Có đi thì có đến”. Nhưng ngồi ngẫm nghĩ lại thì nỗi buồn canh cánh bên lòng. Sự cô đơn lại chế ngự, nhất là sống trên đất nước người mùa đông tuyết phủ đầy sân nhà, lạnh buốt. Con cái thì mỗi đứa một nơi, có đứa ở xa, có đứa thì gần, nhưng đôi khi thấy tựa như dặm đường cách trở. Còn gì buồn tha thiết, còn chăng nước mắt âm thầm rơi, cố gắng sống hết khoảng thời gian cuối cùng đi về vắng vẻ? Có mấy ai còn đủ sức khỏe để đi làm part-time, tìm thêm chút ít lợi tức cá nhân để cuộc sống đỡ vô vị hơn chăng?
Có lần một cô bạn thời trung học tâm sự rằng “Bạch rất quý bạn bè trong tuổi xế chiều. Bạch đang hưởng trợ cấp về hưu. Mất tiền lương nghỉ hưu, Bạch không tiếc, vì mình còn có thể đi làm kiếm sống tạm được, chứ mất một người bạn xem như mình mất đi cái gì rất quý giá mà không thể nào tìm lại được”. Nghe xong những lời tâm sự này chúng ta cảm thấy bùi ngùi cho cuộc sống cô đơn và buồn tẻ lúc xế chiều rất cần bạn bè thân thuộc để trao đổi và tâm sự. Ngày nay ở xã hội mới này, người ta chạy đua với kinh tế và đồng tiền làm chi phối cuộc sống tinh thần, xem nhẹ tình bạn và tình nghĩa... Vì thế tôi cảm thấy rất thấm thía câu nói của cô bạn Bạch này quá.
Nghĩ đến lúc về hưu có những lúc đi về thui thủi một mình thì thật là buồn nản. Bạn bè cũ thì bận rộn việc làm trái với thì giờ rãnh rỗi của mình. Ở gần thì ít, ở xa thì nhiều. Bạn bè để ăn tiệc, để rủ nhau đi chơi thể thao, đi shopping và tán gẫu thì nhiều nhưng bạn thân tri kỷ để chia sẻ niềm vui buồn thì rất ít. Những ngày cuối tuần cố gắng hẹn gặp ở nhà hàng, chỉ có ăn và uống, ngồi bên nhau chừng chốc lát, “nỗi nhà thuở trước, nỗi mình ngày xưa”, hàn huyên được bao lâu. Câu chuyện cũng xoay quanh vấn đề Việt Nam hải ngoại thiếu đoàn kết, chừng nào có party, phải ăn mặc quần áo và trang điểm như thế nào cho sang trọng, chuyện du lịch, chuyện thành công của con cái. Chưa kể nhiều vị rất khoe khoang hay bàn luận vấn đề khủng hoảng kinh tế bên Mỹ, cuộc cách mạng Hoa Lài ở Tunisia để đánh đuổi Ben Ali rồi cuộc nổi dậy của nhân dân Ai Cập lật đổ tổng thống Hosni Mubarak, vụ chống tổng thống Lybia Gadhafi, chiến tranh Iraq. Trên mạng đang có phong trào kêu gọi người dân Việt Nam ủng hộ nạn nhân động đất và sóng thần tsunami Sendai bên Nhật...
Những cặp vợ chồng có con cái trưởng thành và chuẩn bị có cháu nội cháu ngoại - gần 40 năm trời tha hương, quê hương tôi đã đổi thay biển dâu trong lòng người Việt hải ngoại. Chỉ biết rằng ở đây, trong tấm lòng người xa xứ, luôn mang sự day dứt khôn nguôi.
Những cặp vợ chồng già hạnh phúc thường ít lệ thuộc con cái. Sự lệ thuộc tài chính có lẽ là nỗi cay đắng lớn nhất ở tuổi già. Cũng may mắn ở đây người già có tiền hưu nên cũng ít lệ thuộc nhiều như ở nước ta, khi về hưu là phải nhờ con cái giúp đỡ tiền bạc để sinh sống trong những ngày cuối của cuộc đời. Cố tránh được bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu để nhẹ lòng thanh thản.
Vẫn còn có một số ít các gia đình châu Á nói chung, người Việt nói riêng, “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó”! Tình hình này hiện nay hình như có nhiều thay đổi. Bây giờ tốt hơn hết là con cái đặt đâu cha mẹ nên ngồi yên chỗ! Vì nếu có sự mâu thuẫn con cái sẽ tự động dọn ra ở riêng. Chỉ còn trông cậy những đứa con có hiếu nghĩa, biết ơn, biết kính trọng đấng sinh thành!
Ngày nay con cái ở xứ Tây phương này có vẻ ít quan tâm, ít gần gũi cha mẹ như ngày xưa bên xứ mình. Có thể phần lớn do cuộc sống bề bộn trong thời đại công nghiệp, ai cũng bận rộn đầu tắt mặt tối. Luôn luôn tôn trọng giờ giấc, thường xuyên di chuyển và nhất là phải bám chặt việc làm để đủ trả bills (nợ). Con người có lẽ bị lệ thuộc về vật chất quá nhiều, nhiều khi vì cần giữ ít sĩ diện cá nhân nên cứ đua đòi theo mốt mới, từ cái nhà, cái xe đến nhiều thứ vật dụng lặt vặt trong nhà đều vay nợ mua để cho hợp thời trang, để sánh bằng bạn bè trong cộng đồng.
Ngược lại con cái trưởng thành có những mối lo riêng cho gia đình, nên không còn nhiều thì giờ dành cho cha mẹ già. Do đó những bữa cơm gia đình thân mật, ấm cúng ngày nào còn bé ngày càng hiếm thấy. Tuy nhiên những mâu thuẫn tư tưởng văn hóa ngàn đời của cha ông, nếu có, cũng đành chấp nhận, bởi đây là xứ của tự do bình đẳng. Vì thế cha mẹ già sống lệ thuộc con cái mà vẫn muốn giữ nề nếp như ngày xưa thì thật sự khó khăn, sẽ dễ tủi thân, sẽ dễ khổ sở vì những sự đổi thay. Chúng ta nên tỉnh táo để nhận thức được điều này và điều chỉnh kịp thời, cha mẹ già sẽ có thể trở thành bạn của con, để biết nhu cầu, để gần gũi và giúp đỡ con - vì cha mẹ đã trải nhiều kinh nghiệm... làm con!
Người già ở chung với quan hệ tốt, gần gũi nhiều với cháu, vui đùa cùng cháu, một già đôi trẻ có nhiều thì giờ chăm chút nhau đồng thời cũng có nhiều cơ hội để luyện tập trau dồi thêm cho các cháu ngôn ngữ của dân tộc mình. Người già cũng giúp cha mẹ dạy dỗ cháu, kể chuyện cổ tích cho cháu nghe và cảm thấy vui khi nhìn lại hình ảnh những đứa con mình sống động qua các cháu. Đôi khi cần phải hiểu và cần thêm tấm lòng rộng lượng về phần cha mẹ, cũng như cần thêm sự cảm thông, sự nhân nhượng, sự quan tâm, ân cần chăm chút của con cái trong vài sở thích của cha mẹ. Tuy nhiên ông bà cũng cần thống nhất với cha mẹ trong việc dạy dỗ các cháu. Các con của chúng ta đã ảnh hưởng rất nhiều trong nền văn hóa của nước ngoài, “thương con nhưng không quá chiều chuộng con cái như chúng ta ngày xưa, mục đích là để tập cho các cháu tinh thần tự lập là chính”. Đây cũng là một mâu thuẫn trong hai thế hệ.
Cô bạn Thanh của tôi nay đang về hưu, ở nhà giữ cháu để con mình an tâm đi làm đã nói: "Khi có cháu rồi mới biết, thương cháu lắm, đôi khi còn giận con mình vì đã quá nghiêm khắc với cháu của mình đấy".
Tại một vài tiểu bang Mỹ và vài tỉnh của Canada, để nhắc nhở người ta nên nghĩ đến gia đình nhiều hơn, chính phủ lập ra ngày Family’s day - ngày thứ hai của tuần thứ ba trong tháng 2 mỗi năm, trong khi ở Việt Nam là ngày 28/6, cũng là ngày của Gia đình để cho con cái cha mẹ có thì giờ và cơ hội gặp gở, tạo niềm thân mật hơn giữa cha mẹ và con cái. Cái lễ này cũng nhằm mục đích cho thấy cái giá trị tinh thần của gia đình, của mái ấm với người thân sum họp đầy đủ.
Tôi chợt nhớ lại một phong tục người Huế khi xem TV tường trình về lễ hội miền Trung, ngắm cảnh ban đêm người ta thả đèn giấy lắc lư, bồng bềnh, lóng lánh dưới chân cầu Trường Tiền trên dòng sông Hương để nguyện cầu:
“Mỗi năm mỗi đốt đèn trời
Cầu mong cha mẹ sống đời với con”

Xúc động và thương quá những bàn tay úp lại hình trái tim như là tấm lòng của các con. Mặc dù chỉ nhìn thấy hình ảnh qua video, nhìn những đôi mắt long lanh, kính cẩn nguyện cầu mà tôi lặng lẽ quay mặt đi để giấu làn mi ấm ướt. Ước gì tôi được hóa thân thành những con thuyền giấy bồng bềnh kia, để chở mãi những ngọn lửa hiếu thảo đi khắp các dòng sông cùng trời cuối đất đến những người cha, người mẹ hạnh phúc. Bởi chỉ có những người trung niên, những người lớn tuổi mới cảm thụ được hết tấm tình này!
Tôi nhớ có lần cô bạn Xuân đang nuôi bố mẹ già, tâm sự rằng “Đồng tiền, tuy có thể nuôi cha mẹ về vật chất đầy đủ, nhưng sự quan tâm miếng ăn, giấc ngủ và những sở thích, tình cảm quen thuộc của cha mẹ mới có thể kéo dài tuổi thọ song thân!”. Những ai có đi ngoài mưa một mình, mới nghe mình thấm lạnh. Đối với văn hóa Á châu mình đâu có ai thích sống tách rời con cháu?
Cô bạn Ngọc cũng có tâm sự như sau: “Nhiều khi thấy con mình lâm bệnh, người mẹ suốt đêm ngồi bên cạnh thầm nguyện ơn trên chữa lành cho con mình với bao dòng nước mắt và những nỗi đau lòng. Nhiều lúc nguyện rằng nếu có thể được bệnh thay cho con, mình cũng sẽ cam lòng gánh chịu để đổi lại sức khỏe cho con mau bình phục!”. Ôi tình thương của mẹ bao la như thế đó, không biết con cháu mình sau này có cảm nhận được điều này chăng!
Trong khi đó có những cặp vợ chồng kém hạnh phúc ít hợp tính hơn thì cuộc sống về chiều có phần khó khăn và tẻ nhạt hơn. Có những lo lắng khi con cái còn ở chung. Con còn nhỏ thì lo cho con trên đường học vấn, bạn bè như thế nào, học ở đâu, học ngành gì. Đến khi con khôn lớn thì lo chuyện lập gia đình cho con, quen với ai, người đó có cùng ngôn ngữ, cùng văn hóa, cùng dân tộc không, có phù hợp với con mình không... Đó là những lý do khiến vợ chồng chung sức đoàn kết lại để giúp đỡ và giải quyết cho con. Nay con cái đã lớn khôn, mối lo âu đó hầu như không còn hiện hữu. Vì thế với thời gian ở tuổi xế chiều ông và bà phải tìm một việc gì đó phù hợp cho mỗi người để giết thì giờ, để tránh đụng chạm. Chẳng hạn như bà thì làm thiện nguyện trên chùa, nhà thờ, nhà thương hoặc cho hội Hồng Thập tự. Mấy ông thì họp bè, họp bạn chơi thể thao, quần vợt, bóng bàn, đánh mạt chược, vũ cầu...
Nhớ lại cô bạn Thu ở St-Petersburg kể chuyện song thân cô đều đi tu khi tất cả con cái đều dọn ra ở riêng. Khi còn ở Việt Nam cô cho biết là ông bà rất thương yêu, tưởng chưa có cặp vợ chồng nào hạnh phúc nhất trên đời như cha mẹ cô. Nhưng khi từ khi em trai cô mất đi vì một tai nạn xe cộ ở cái tuổi quá trẻ, mẹ cô tin rằng trời Phật đã báo phạt cha mẹ cô cho nên bà ấy quyết định vào chùa tu tỉnh để ăn năn sám hối, hầu mong cho con cái được an lành về sau và cho cuộc đời còn lại của ông bà. Cha cô đành phải theo gót mẹ cô đi tu ít lâu sau đó. Ở vào độ tuổi xế chiều, vợ chồng sống với nhau ngoài tình còn có nghĩa, một người mất đi thì cuộc sống của người còn lại không còn ý nghĩa nữa, và sau một thời gian buồn bã cũng xuôi tay nhắm mắt theo người bạn đời của mình.
Nhân đọc một bài tài liệu trên báo địa phương McClatchy Tribune ở Sacramento hôm 18/2 (The Widowhood Effect) về sự yêu thương gắn bó của đời sống vợ chồng ngay đến quãng đời còn lại làm người ta liên tưởng đến mối tình già cao quý.
Hai cụ J.D Conger và Opal Conger sống với nhau rất đằm thắm cho đến cuối cuộc đời. Ông cụ và bà cụ Conger vừa ăn mừng ngày cưới thứ 80 và sau đó vài ngày bà cụ Opal Conger qua đời, 13/1 ở tuổi 97 và 48 tiếng sau ông cụ J.D Conger cũng theo gót bà về trời ở tuổi 101. Theo các chuyên gia về xã hội học của Đại học Harvard thì 22% đàn ông mất đi một thời gian ngắn sau khi bà vợ về với trời. Ngược lại phía phụ nữ là 17%. Hy vọng tất cả cuộc tình già nào trên đời này đều đẹp như mối tình già Conger.
Dù sao đi nữa khi người chồng về hưu, dù có chuẩn bị kỹ đến đâu đi nữa thì đó cũng là một cú sốc, nặng nhẹ tùy điều kiện tài chính mỗi người. Cố gắng tích luỹ tiền bạc như lời kêu gọi trong biểu ngữ quảng cáo của những hãng Bảo hiểm nhân thọ “Tự do lúc 55 tuổi” (Freedom 55). Có người chịu sự hụt hẵng do thu nhập thấp lại, sức khỏe kém, tiếng nói hết trọng lượng, bạn bè ít dần, sinh ra cô đơn, chua chát, đắng cay. Cũng có người bị bà xã đối xử lạnh nhạt hơn. Nếu bị chỉ trích, chê bai, bắt lỗi thì lại càng thấy nặng lòng, khổ sở bởi đã qua thời kỳ lên voi và nay là lúc xuống chó.Nhưng xin quý vị “nội tướng” cũng nên cảm thông cho mấy ông già bị “cú sốc” làm xáo trộn tâm lý, đôi khi tinh thần ít nhiều suy sụp, làm thân xác dễ trở nên xuống dốc.
Vào những buổi chiều hoàng hôn buông xuống, chiều nào ông già cũng một mình ngồi uống trà hay uống rượu, bia, mắt buồn man mác, có lẽ ông đang tiếc nuối về những kỷ niệm xa xưa huy hoàng nào đó, có lẽ ông khao khát đắm mình trong tiếng rì rào của gió lướt qua cánh đồng; trong tiếng chuông chùa ngân vang khi hoàng hôn chập choạng ở làng quê xưa với hai mùa mưa nắng. Song ông còn hoài niệm về những người bạn của ông, bạn mất hay còn ở lại Việt Nam, một vài đồng môn ngày nào chia ngọt sẻ bùi ở mái trường thân yêu nay đã không còn trên cỏi đời. Tội nghiệp, ông già ngồi yên lặng một mình, trầm tư hướng mắt về phía chân trời xa như đứa bé mồ côi tủi thân, bâng khuâng về cội nguồn xa vời của nó!
“Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê Mẹ ruột đau chín chiều”

Một vài trường hợp hai vợ chồng già được đưa vào viện dưỡng lão. Vì tình trạng sức khỏe của vợ chồng khác nhau - người còn tương đối khoẻ, người đau yếu nhiều. Có khi ông thì được đưa vào một viện với y tá chăm sóc đặc biệt trong khi bà còn tự chủ thì được đưa vào một viện khác.
Người Việt Nam thường có ấn tượng không đúng về nhà dưỡng lão vì các cụ thường có cảm giác tủi thân nghĩ rằng con cháu bỏ rơi mình và cảm thấy bị cô đơn, hất hủi. Con cái thì mang mặc cảm không lo được cho cha mẹ trong lúc tuổi già sức yếu.
“Cha mẹ nuôi con như biển trời lai láng
Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày.”

Ở Việt Nam chỉ cần lo ăn ngày hai bữa cũng đã tạm ổn qua ngày. Thật ra với hoàn cảnh cuộc sống ở hải ngoại mọi người đều phải lo lắng cho việc mưu sinh, phải đi làm, phải kiếm tiền để chi phí cho mọi sinh hoạt hằng ngày. Tiền nợ nhà, tiền bảo hiểm sức khỏe, tiền học hành, tiền xăng, tiền thuế... mọi thứ đều cần thiết. Không đi làm là không thể giải quyết những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống. Con cái cũng rất đau lòng khi phải đưa cha mẹ vào những nhà dưỡng lão. Tuy nhiên với thời gian rảnh rỗi con cái nên thường xuyên đến chăm sóc cha mẹ để an ủi các người trong những ngày tuổi già sức yếu của cuộc đời.
Cha của cô bạn Xuân có tuổi cao và mắc bệnh của tuổi cao niên, con cái không thể nào chăm sóc tại nhà được nên đã đưa vào nhà dưỡng lão đã nói: “Ba thì đã vào Nursing Home rồi, lái xe độ 5 phút là đến nơi, đi subway thì khoảng 10 phút, nên Xuân mỗi ngày vẫn vào đút cơm cho ba ăn như hồi ba còn ở hospital, cuối tuần thì cháu Jimmy, con trai bé Sáu, vào đút cơm cho ông ngoại. Ba và mẹ đều yếu lắm rồi, tụi Xuân còn lo được cho ba mẹ ngày nào, Xuân cảm ơn ơn trên ngày đó. Xuân tin rằng tất cả những người con, đều thương kính cha mẹ của mình và nếu có cơ hội, Xuân nghĩ chúng ta ai cũng sẽ hết lòng phụng dưỡng cho cha mẹ, nhất là vào lúc cha mẹ già yếu, bệnh hoạn.”
Nhưng bà một người bạn, vẫn còn sức khỏe tốt sau khi ở khu dưỡng già một thời gian ngắn thì bà đã thay đổi cái nhìn của mình và cho biết “Từ khi dọn về đây, con cái tôi yên tâm tập trung làm việc, không cần điện thoại hỏi thăm nhiều lần trong ngày. Những lúc buồn, tôi có bạn nói chuyện. Điều làm cho cuộc sống tôi vui hơn vì có sự cảm thông của bạn bè”.
Cũng có người tâm sự rằng: "Khi trước tôi sống với con tôi, nhưng nay sức khỏe một ngày một yếu, con tôi phải đi làm từ sáng đến chiều mới về, mỗi khi cần đi vào nhà vệ sinh tôi cứ lo khi tôi té ngã không ai hay biết. Nay vào nhà dưỡng già được chăm sóc đặc biệt có cần gì thì đã có người giúp, vả lại có các bạn già đồng lứa tuổi mình cũng cảm thấy vui hơn, con tôi cũng yên tâm hơn".
Khi còn ở Việt Nam chúng tôi nhìn thấy bà con dòng họ sống khoẻ mạnh và vui vẻ. Nếu ai lâm trọng bệnh thì qua đời, nhiều khi ở cái tuổi quá trẻ. Ngược lại ở hải ngoại mỗi khi đi thăm viện dưỡng lão, nhìn những người già có người khoẻ người yếu, người tàn tật sống lay lắt và đau đớn với căn bệnh nan y làm lòng tôi trùng lại. Ở Tây phương với nền y học tối tân và nhiều tiến bộ giúp con người sống lâu hơn, ngay với nhiều trường hợp người già sống trong sự đau đớn đến khi nhắm mắt. Tôi nhớ lại một bài tường trình trong báo địa phương kể lại một trường hợp đặc biệt của một cụ già phải tốn 25 ngàn đô bay sang Hà Lan để họ giúp cho mình thực hiện điều mình muốn, là qua bên kia thế giới vĩnh viễn để khỏi sống lay lắt với căn bệnh hiểm nghèo mà cụ đang vấp phải. Lắm lúc tôi tự hỏi cuộc sống trong một xã hội mới với nền y học tân tiến như ngày nay có làm cho cuộc đời người già sung sướng hơn, hay thay vào đó nó kéo dài sự đau đớn của nạn nhân và cả những thành viên trong gia quyến thân tộc của họ.
Tôi đã đọc đâu đó một tiểu luận nói về hưu của anh Võ Đại Sinh ở Australia như sau: Năm nay tôi tròn 61 tuổi. Cách đây 2 năm tôi đã định kế hoạch về hưu ở tuổi 60. Thế nhưng, một hôm tôi đưa vợ đến vấn an một ông quan to, tuổi lớn hơn tôi, tận mắt chứng kiến cảnh huynh trưởng nhà mình không lợi tức, bị vợ con đối xử không được mặn mà, ưu ái cho lắm, tôi đâm phân vân suy ngẫm câu: Chưa hưu đời đã buồn thiu. Do vậy năm rồi, đúng 60 tuổi, sợ quá, tôi không dám về hưu và cứ chần chờ, do dự. Mãi đến khi con gái đầu lòng của tôi cùng với mẹ nó nài nỉ đủ điều, tôi mới đủ can đảm quyết định chính thức về hưu... trễ hết một năm theo dự trù. Hưu rồi, dứt bỏ gánh nặng của đời, tôi mới thực sự hối hận là mình đã về hưu muộn mất một năm. Đời sống hưu sao mà nhẹ nhàng, thanh tao quá! Chỉ có một chuyện chưa quen là mới 7 giờ sáng, chim ngoài vườn đã ca hót líu lo, không làm sao tiếp tục nằm vùi thêm được. Về hưu rồi mới thấy đời sống hết sức tự do, muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm, không ràng buộc, không cần tuân theo giờ giấc.
Ban mai, lúc nào thích, bang ra bờ sông cạnh nhà, thiền hành dọc theo dòng nước chảy lững lờ, hoặc ngả lưng nằm dài trên bãi cỏ công viên mà ngắm mây trời vô tư trôi dạt về một phía chân trời xa xăm. Trưa thả bộ đến hồ tắm, tha hồ vùng vẫy, lặn hụp, vừa bàn chuyện khào với những người bạn già mới quen, hoặc chưa từng gặp bao giờ. Chiều xuống nhà có sẵn vườn trước, vườn sau, tưới kiểng, ngắm hoa chờ bụng đói. Muốn đi Footscray ăn phở, hay xuống China Town dạo phố phường, chỉ cần thả bộ mấy mươi bước, đón xe tram, xe bus, mua vé giảm giá ngược xuôi suốt ngày, muốn về lúc nào cũng êm, chẳng ai buồn nhắc nhở, chẳng ai thắc mắc mong chờ...
Theo anh Sinh này thì chuyện về hưu đã làm cuộc sống của anh thăng hoa và sung sướng vô cùng vì không phải lo thức sớm đi cầy như người bình thường nữa.
Cách đây vài năm tôi có dự một hội đàm về sự chuẩn bị về hưu dành cho người trên 50. Ông giảng sư tâm lý cho biết rằng đa số những người về hưu thì lúc đầu từ 6 tháng cho đến 2 năm là thời kỳ “trăng mật” sung sướng nhất (honeymoon) vì vừa hưởng một sự thay đổi lớn của cuộc đời. Nhưng sau 2 năm “trăng mật” ấy người về hưu phải có một sự chuẩn bị kỹ càng để làm vài hoạt động nhẹ để duy trì thể xác khoẻ mạnh và tinh thần sáng suốt vì cuộc sống sẽ trở nên nhàm chán và tẻ nhạt.
Theo thống kê Canada thì người về hưu trung bình ở tuổi 65. Trong khi đó số người “không hoạt động hay ít hoạt động” thường qua đời khoảng 67 tuổi, tức là số người thụ động chỉ sống 2 năm sau đó thì từ bỏ thế gian. Sự định nghĩa của “thụ động” còn là một tiêu đề gây ra nhiều bàn cãi. Điều muốn nhấn mạnh ở đây là tầm quan trọng của sự hoạt động thể xác khi về già có ảnh hưởng tốt đến việc hưởng thọ.

Nguyễn Hồng Phúc
Montréal Canada

Phần 1Phần 2
Cập nhật 12-10-2012