Taberd.org
./hai_linh3.gif
  tháng 1, 1988
Bài do Thầy Nhị Long chuyển đến

Anh Hải Linh thương mến,
Tôi được hân hạnh quen anh vào buổi chiều Đông 1954, ngay cửa miệng hầm métro, trước thềm đá của Nhà Hát Lớn Opéra, bên hữu ngạn dòng sông Seine của thành phố Paris trong một mùa ướt lạnh và u tối ! Lúc đó tôi đang theo học ở Institut De Musicologie thuộc viện Sorbonne với tư cách một bàng thính viên, còn anh thì đang thụ huấn tại Trường Nhạc César Franck. Chiều hôm đó, cũng có mặt vị Sư huynh trẻ tuổi Ngô Duy Linh. Và chính Ngài là người rất tế nhị, đã gọi phone cho tôi, hẹn tới gặp nhau ở đây, trước cổng lớn của một Lâu Đài Nghệ Thuật… Chúng ta đã kéo nhau đi uống nước và trò chuyện rất lâu về Âm nhạc. Chúng ta đã rất yêu quí nhau, bởi vì chúng ta đều đang cùng đi học hỏi những kiến thức về âm nhạc của nhân loại ở phương xa, để có thêm chất liệu dùng vào việc xây dựng một nền nhạc mang âm hưởng dân tộc…
Tôi còn nhớ hôm đó, anh đã dạy cho tôi biết rằng ở trong Công giáo Việt Nam có những bài Chant grégorien – mà anh gọi là Bình ca – hoàn toàn do người Việt soạn ra. Lúc đó, anh đang chuẩn bị trình luận án về MÀU SẮC VIỆT NAM TRONG BÌNH CA (LA COULEUR VIETNAMIENNE DANS LE CHANT GREGORIEN) và anh đã hỏi tôi, khi đó đã được coi như một người chuyên khảo về dân ca (folkloriste) là: Đã có bao giờ tôi sưu tầm những Bình ca Việt Nam chưa? Sự hiểu biết của tôi lúc đó hãy còn quá non nớt, nhưng tôi cũng đã biết rằng từ nhiều thế kỷ trước, trong gia đình Công giáo, đã có rất nhiều những bài Ca vịnh là thơ lục bát được hát lên với những điệu hát cổ truyền như hát vãn, hát vè, trống quân, quan họ, … vốn cũng có những cung bực gần gũi với các âm giai trong nhạc Grégorien … Loại này được anh gọi là Cổ Giáo Nhạc Việt (Chant Paraliturgique). Tôi cũng còn biết thêm rằng trong giai đoạn thành hình của nền Tân Nhạc vào đầu thập niên 1940, đã có những công trình quan trọng của Nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh với những ca khúc Giáo đường do người Việt Nam soạn ra, được in trong những cuốn sách gọi là NHẠC TẬP CUNG THÁNH. Và một trong những bài hát hay nhất được phổ biến nhanh nhất ở cả hai bên lương, bên giáo lại là bài ĐÊM ĐÔNG hay HANG BÊLEM của anh, soạn ra trong năm 1945.
Rồi chúng ta trở về Việt Nam, chúng ta lớn lên với sự lớn lên của Nhạc Việt. Tôi đã theo dõi sự hoạt động Âm nhạc của anh và rất cảm phục anh trong hai chủ đề mà anh đã vạch ra một cách rõ ràng: Tôn Vinh Thiên ChúaTán Tụng Quê Hương.
Những lời kinh của Thánh Phanxicô mà Linh mục Vũ Đình Trác đã soạn thành thơ để anh phổ nhạc, đã khiến cho chúng tôi, những kẻ ngoại đạo, thấy được tạo vật như Mặt Trăng, Mặt Trời, Tinh Tú, chim chóc, kim mộc thủy hỏa thổ, … tất cả đều lên tiếng ca tụng Thiên Chúa, khiến cho chúng tôi cũng muốn cất tiếng ca theo. Chúng tôi còn được thấy bài thơ THÁNH NỮ ĐỒNG TRINH MARIA của Hàn Mặc Tử, trở thành một Giáo trường ca do bàn tay sáng tạo của anh, để thấy được giá trị tuyệt đỉnh của thi caâm nhạc Công giáo Việt Nam, không thua kém bất cứ thi ca và âm nhạc của bất cứ người Công giáo nào trên thế giới. Rồi tới những bài kinh Te Deum – TẠ ƠN THIÊN CHÚA, KÍNH MỪNG NỮ VƯƠNG, TÁN TỤNG HỒNG ÂN của anh đã vang dội trong các Giáo đường trong nước, càng ngày càng giữ cho Niềm Tin vào Chúa càng trở nên sâu đậm.
Tôn vinh Thiên Chúa nhưng anh cũng không quên Tán tụng Quê hương. Hai đại thi phẩm của dân tộc như CHINH PHỤ NGÂM và KIM VÂN KIỀU đã được anh phổ thành những bản hợp ca vĩ đại, mang hình thức Ca nhạc Giao hưởng (Poème Symphonique) hay Tiểu Nhạc kịch (Micro – Opéra). Và biết bao nhiêu công trình khác của anh như CÓC QUÂN ĐẢ PHÁ THIÊN ĐÌNH, THẰNG BỜM CÓ CÁI QUẠT MO, RA ĐỜI, RA KHƠI, HƯƠNG QUÊ, … đã trở thành những viên ngọc quý giá nhất của gia tài Âm nhạc Việt Nam trong thế kỷ hai mươi này. Anh lại còn quá rộng lượng mà ban bố cho người đi sau những kinh nghiệm sáng tác của anh qua cuốn sách nhan đề LỐI VIẾT THOÁNG MỎNG, dạy cho hậu bối biết được nét đẹp độc đáo của Nhạc Á đông nói chung, Nhạc Việt Nam nói riêng, vốn không cầu kỳ, rườm rà hay đồ sộ như nhạc Tây phương và chính cái đơn sơ nhẹ nhàng của nó sẽ được người Tây phương tìm về, khi họ cảm thấy có sự bất an kinh khủng trong cuộc đời quá ư thiên về vật chất của họ.
Ngoài tài sáng tác ra, anh còn là người đã tạo ra rất nhiều Ca trưởng (Chef de choeur) bởi chính anh đã là một Ca trưởng tài tình nhất, giỏi nhất, có nhiều kinh nghiệm nhất… sau khi đã tạo dựng và điều khiển Ban Hợp ca hay nhất Việt Nam là ban HỒN NƯỚC. Và cùng với mục đích truyền bá kinh nghiệm của mình, anh đã soạn ra cuốn sách dạy cách điều khiển hợp ca, nhan đề TRÌNH TẤU SỐNG ĐỘNG, trong đó, anh cho mọi người thấy lối đánh nhịp cho một Ban Hợp ca cũng giống như việc phóng một phi thuyền vào không gian, cần phải có sự chuẩn bị đầy đủ và chính xác như thế nào…

pham_duy

Cha Ngô Duy Linh, Nhạc sĩ Phạm Duy, Nhị Long
và anh Nguyên trước phần mộ Nhạc sư Hải Linh

Anh Hải Linh! Anh đã không còn đứng đây, giơ tay hùng dũng phóng vệ tinh cho chúng tôi được bay bổng cùng anh trong không gian và thời gian nữa. Anh đã nằm xuống để êm ái đi về Nước Chúa, nhưng tôi tin chắc chắn rằng, ngày nào còn bóng dáng của những Giáo đường trên những nẻo đường Việt Nam, dù đó không phải là những nẻo đường vắt trên quê hương yêu dấu, ngày nào còn vang tiếng kinh cầu chen với tiếng Nhạc Thánh vọng lên bằng ngôn ngữ Việt Nam, ngày ấy anh vẫn còn sống động trong lòng mọi người.
Cảm động và sung sướng biết bao, khi gần đây, trong lúc đang hoang mang và lúng túng đi tìm những phương cách để kéo được tuổi trẻ Việt Nam đi tị nạn trở về với ngôn ngữ mẹ đẻ… thì tôi được tham dự một buổi Lễ Nhà thờ. Tôi đã được chứng kiến một cách vừa ngỡ ngàng vừa sảng khoái đến tột độ, cái cảnh Nhà thờ chật ních những em bé đứng bên các bậc phụ huynh. Các em đó, có em chỉ mới lên năm, lên sáu, đã mở những miệng son ra để cầu kinh hay hát đạo bằng tiếng Việt! Chúng ta cứ loay hoay đi tìm buổi trưa vào lúc hai giờ mà không biết rằng Giáo hội Việt Nam lưu vong đang thầm lặng gìn giữ tiếng mẹ đẻ cho người Việt tị nạn, từ trẻ sơ sinh cho đến người tuổi hạc, qua niềm Tin vào Thiên Chúa, được nâng niu bởi những Thánh ca Việt Nam tạo nên bởi những người như Hải Linh.
Anh Hải Linh ơi! Anh hãy ngủ ngon giấc ngủ nghìn đời! Tôi sẽ còn gặp anh trong tiếng hát của những người hiền như Ma Soeur, qua lời giảng của những Linh mục chưa phai mùi thơm của đồng ruộng Việt Nam, trên những môi đỏ vết trầu của các bà mẹ còn chít khăn vuông mỏ quạ đi chợ supermarket… và xinh đẹp nhất, trên những môi mọng của các em bé nửa Việt Nam nửa Mỹ đang sống nhờ ở đạo của Chúa và Nhạc Thánh của anh để không còn lo mất gốc, mất rễ.
Vĩnh biệt mà không vĩnh biệt Hải Linh, người con yêu dấu của Việt Nam và của Chúa…
Phạm Duy
Bài này được Nhạc sĩ Phạm Duy đọc trong buổi Lễ Tang Hải Linh, ngày 13.01.1988 tại Orange County, California và gởi cho Linh mục Nhạc sư Ngô Duy Linh. Sau đó, Linh mục Ngô Duy Linh trao cho Nhị Long phổ biến trong tập sách hát nhân dịp Giỗ giáp năm 31.12.1988 tại New Orleans, Louisiana, USA.
Mục lục
Cập nhật 12-10-2012